Những ưu điểm từ lốp xe radial đang được phát huy và tận dụng, đang trở thành xu hướng của tương lai. Xu hướng đó tại Việt Nam giờ ra sao?
Xu hướng Radial hóa
Ở các nước phát triển thì lốp Radial chiếm hơn 90% tổng lượng lốp xe lưu hành, trong khi đó ở các nước đang phát triển thì tỷ lệ này là 60%. Ở Việt Nam thì tỷ lệ này khá thấp, chỉ chiếm khoảng 10% và được sử dụng chủ yếu cho xe con. Lốp Radial có tính năng ưu việt hơn hẳn lốp Bias như độ bền gấp 2 lần, giảm tiêu hao nhiên liệu 12%-16%, sinh nhiệt thấp, tản nhiệt nhanh.…và đặc biệt phù hợp với yêu cầu xe ô tô chạy tốc độ cao. Nhờ những đặc tính ưu việt này mà lốp Radial ngày càng được sử dụng nhiều và dần thay thế lốp Bias.
Với sự phát triển của nhiều dự án đường cao tốc sắp tới thì nhu cầu thaythế lốp Bias bằng Radial là một nhu cầu tất yếu. Hiện nay thì thị phần lốp Radial hoàn toàn bị kiểm soát bởi các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Bridgestone, Michelin, Goodyear… Các doanh nghiệp này hiện tại nhập khẩu toàn bộ và phân phối tại Việt Nam. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp trong nước là CSM và DRC đang triển khai dự án sản xuất lốp Radial với tổng công suất 1,6 triệu lốp/năm để đón đầu xu hướng Radial hóa này.
Tiềm năng thị trường xuất khẩu
Thị trường săm lốp nội địa tuy ổn định nhờ nhu cầu thay thế nhưng tiềm năng tăng trưởng trong ngắn và trung hạn không hấp dẫn. Đối với phân khúc săm lốp xe đạp thì do nhu cầu đã bão hòa nên hầu như không còn tăng trưởng. Còn đối với phân khúc săm lốp xe máy và ô tô thì tốc độ tăng trưởng trong 5 năm tới dự báo cũng chỉ ở mức 5,1% và 5,7% do nhu cầu tiêu thụ ô tô và xe máy cũng không tăng nhiều. Với mức tăng trưởng như vậy thì thị trường tiêu thụ săm lốp trong nước trong ngắn và trung hạn không thật sự hấp dẫn.
Tuy nhiên, với quy mô thị trường săm lốp thế giới rộng lớn chưa được các doanh nghiệp trong nước khai phá thì tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp trong tương lai nhờ đẩy mạnh xuất khẩu là rất lớn. Hiện nay thị trường săm lốp Việt Nam chỉ chiếm khoảng 0,34% so với quy mô thị trường săm lốp thế giới. Việt Nam lại có nhiều điều kiện thuận lợi để sản xuất săm lốp như nguồn nguyên liệu cao su tự nhiên dồi dào, nhân công rẻ và thuế xuất khẩu mặt hàng săm lốp là 0% so với mức 8% ở Trung Quốc thì tiềm năng tăng trưởng từ xuất khẩu các sản phẩm săm lốp là rất lớn.
Các công ty săm lốp hàng đầu thế giới cũng đã nhận ra những thuận lợi này và đã mở nhà máy sản xuất tại Việt Nam để xuất khẩu đi các nước như Kumho, Yokohama, Cheng Shin và Bridgestone. Hai doanh nghiệp trong nước là DRC và CSM cũng sẽ tăng cường xuất khẩu sản phẩm từ 2 dự án Radial. DRC sẽ xuất khẩu 40%, trong khi đó CSM sẽ xuất khẩu 30% sản lượng lốp xe Radial từ nhà máy mới trong từ năm 2016.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét